Ngày 8/10/2019, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam tổ chức nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu ứng dụng đèn LED và SOLAR trên tàu chụp mực 4 tăng công tại tỉnh Quảng Nam
Đề tài với mục tiêu ứng dụng công nghệ mới nhằm tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả khai thác hải sản tại Quảng Nam. Cụ thể: thiết kế, lắp đặt và ứng dụng công nghệ đèn LED và hệ thống điện mặt trời trên tàu chụp mực 4 tăng gông đảm bảo độ bền của thiết bị, an toàn, thuận lợi trong hoạt động khai thác hải sản nhằm tăng hiệu quả khai thác hải sản; tiết kiệm 50% nhiên liệu dùng để chạy máy phát điện; tập huấn và chuyển giao cho 90 ngư dân nhằm giúp ngư dân thành thạo kỹ thuật lắp đặt, vận hành hệ thống đèn LED và điện mặt trời trong quá trình khai thác trên tàu chụp mực 4 tăng gông.
Đề tài đã triển khai thực hiện 6 nội dung, nội dung 1. Điều tra hiện trạng nghề khai thác hải sản, nghề chụp mực 4 tăng gông trên vùng biển Quảng Nam có công suát trên 90cv; nội dung 2. Tính toán, lắp đặt hệ thống đèn LED và hệ thống điện mặt trời; nội dung 3. Nghiên cứu, thử nghiệm trên biển; nội dung 4. Đánh giá hiệu quả sử dụng đèn LED và hệ thống điện mặt trời; nội dung 5. Hoàn thiện quy trình lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng hệ thống đèn LED và hệ thống điện mặt trời; nội dung 6. Tập huấn và chuyển giao công nghệ
Theo báo cáo kết quả triển khai đề tài của ThS. Võ Văn Long chủ nhiệm nhiệm vụ thì việc sử dụng đèn LED sẽ mang lại các kết quả đáng kể sau: hệ thống đèn LED có vùng sáng chiếu xa và sâu hơn so với trang bị đèn Metal halide; sản lượng khai thác cao hơn là 13,5% bình quân cao hơn 971 kg/chuyến; tiết kiệm 58,24% chi phí sử dụng nhiên liệu do đó lợi nhuận cho tàu sử dụng đèn LED sẽ cao hơn tàu sử dụng đèn Metal halide khoảng 122,7 triệu đồng/chuyến; điện mặt trời trên tàu luôn đảm bảo có điện liên tục; việc sử dụng đèn LED và điện năng lượng mặt trời còn góp phần giảm thiểu tác động môi trường
Sau khi chủ nhiệm Đề tài trình bày, các thành viên Hội đồng đánh giá cao kết quả, sản phẩm, hiệu quả của Đề tài đối với khai thác hải sản tại Quảng Nam. Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm cần lưu ý một số lỗi của Báo cáo tổng kết, cần đánh giá và kế thừa các nghiên cứu tương tự; xem xét lại các số liệu đánh giá tại Đề tài, nghiên cứu thêm về góc chiếu của đèn (quá rộng 700); cần đánh giá tuổi thọ của đèn LED so với đèn Metal halide; cơ sở xác định số mẫu phiếu điều tra; nghiên cứu giải pháp ứng dụng nhân rộng kết quả đề tài
Sau khi trao đổi, giải trình các thông tin của các thành viên Hội đồng với Ban chủ nhiệm Đề tài. Kết luận tại Hội đồng, ThS. Phạm Viết Tích Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao kết quả hiện của Đề tài, các sản phẩm đảm bảo theo Đề cương đã duyệt. Tuy nhiên, để làm tài liệu khoa học và để ứng dụng kết quả vào thực tiễn khai thác hải sản tại Quảng Nam đề nghị Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu, chỉnh sửa theo các ý kiến của các thành viên Hội đồng, nhất là các số liệu, đánh giá phải đảm bảo cơ sở khoa học. Cơ quan chủ trì, Chủ nhiệm nhiệm vụ cần xây dựng kế hoạch ứng dụng, triển khai áp dụng vào thực tế; công bố thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định trước khi tiến hành thanh lý.
Hội đồng thống nhất thông qua Đề tài, trong quá trình tiếp nhận kết quả nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào thực tế Cơ quan chủ trì, Chủ nhiệm đề tài cần tiếp tục theo dõi và phải báo cáo kết quả ứng dụng hằng năm về Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam theo quy định.
NNT: 08/10/2019