Ngày 11/10/2019, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Viện Địa Lý- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả thực hiện Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu đánh giá các yếu tố thủy thạch động lực ảnh hưởng đến các quá trình bồi, xói vùng cửa sông, ven bờ từ Quảng Nam đến Phú Yên trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng”. Khách mời của Hội thảo là các Giáo sư, Phó giáo sư có chuyên môn sâu trong lĩnh vực nghiên cứu có liên quan. Tham dự Hội thảo còn có Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi; lãnh đạo và chuyên viên của các Sở, ban, ngành liên quan tại tại tỉnh Quảng Nam như: Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông,..
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cảm ơn các nhà khoa học đã quan tâm đến 04 tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Nam. Quảng Nam rất quan tâm đến đề tài cấp nhà nước này bởi đây là vấn đề liên quan nhiều đến đời sống - xã hội. Đặc biệt là ảnh hưởng của vấn đề biến đổi khí hậu do tác động của nó ngày càng trở nên khó lường. Do đó, Hội thảo cần có nhiều trao đổi, ý kiến chuyên sâu của các nhà khoa học để tìm được giải pháp phù hợp, thiết thực hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý bờ biển, cửa sông hài hoà mối quan hệ giữa phát triển với giảm thiểu tác động từ thiên nhiên nhất là vấn đề bờ biển, cửa sông tại Cửa Đại, Hội An – Quảng Nam.

Hình. Toàn cảnh Hội thảo
Báo cáo tại Hội thảo, TS. Đào Đình Chiêm - Chủ nhiệm đề tài cho biết đề tài gồm 02 mục tiêu chính. Thứ nhất, xác định rõ nguyên nhân, cơ chế tác động và các yếu tố ảnh hưởng đến bồi, xói vùng cửa sông, ven bờ biển từ Quảng Nam đến Phú Yên. Thứ hai, đề xuất giải pháp khoa học, công nghệ để phòng chống, khắc phục xóa lở, bồi lấp các vùng cửa sông trong vùng nghiên cứu. Theo chủ nhiệm đề tài, đề tài đã đánh giá được thực trạng xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông khu vực dãi ven biển Nam Trung bộ từ Quảng Nam đến Phú Yên và đặc biệt là Khu vực Cửa Đại trên cơ sở các số liệu khảo sát thực địa và sử dụng công nghệ viễn thám và GIS để đánh giá cường độ, quy mô xói lở; đề tài đã ứng dụng kết hợp thành công mô hình toán và viễn thám để xác định được nguyên nhân, cơ chế, quy luật diễn biến xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông ở Cửa Đại qua các giai đoạn có thể thấy được; các yếu tố thủy – thạch động lực có tác động rất mạnh đến hoạt động xói lở bờ biển khu vực Cửa Đại, sóng Đông Bắc có độ cao lớn có hướng vuông góc với đường bờ trong mùa Đông kết hợp với nước dâng cùng với tính chất cơ lý của đất đá yếu với các trầm tích bờ rời thuộc hệ Đệ tứ có độ gắn kết kém ở khu vực nghiên cứu là nguyên nhân chính gây ra xói lở bờ biển Cửa Đại, đặc biệt bờ biển phía Bắc; bồi đắp cửa sông Cửa Đại là do sự kết hợp giữa sóng lớn trong thời kỳ gió mùa đông Bắc trùng với thời kỳ mưa, lũ đem dòng cát, bùn từ trong sông đổ ra ở vị trí giao thoa giữa dòng chảy trong sông và trường sống ngoài biển gây hiện tượng bồi, lấp sông Cửa Đại. Trên cơ sở xác định nguyên nhân, cơ chế, quy luật của xói lỡ bờ biển cửa sông tại Cửa Đại, Ban chủ nhiệm đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình mà Ban chủ nhiệm cho rằng đó là những giải pháp phù hợp cho việc chống xói lỡ, bờ biển cửa sông tại Cửa Đại, Hội An – Quảng Nam
Trao đổi tại Hội Thảo, Đ/c Lê Trí Thanh đánh giá cao Ban chủ nhiệm đề tài đã có nghiên cứu toàn diện về bờ biển, cửa sông tại Hội An. Theo đồng chí, nghiên cứu cần ưu tiên thứ tự giải quyết các vấn đề. Một là, vấn đề thoát lũ; hai là, vấn đề bồi lắp; và, ba là, vấn đề xói lở. Trong báo cáo cũng cần nghiên cứu sâu một số mối quan hệ: thuỷ điện với xói lở bờ biển, cửa sông; nạo vét với việc hình thành các doi cát; vấn đề khai thác cát thượng nguồn với xói lở bờ biển, cửa sông ở hạ du; công trình chắn sóng với vấn đề của cộng đồng cư dân. Cần đưa ra những ưu điểm và hạn chế của từng giải pháp mà đề tài đã nghiên cứu đề xuất.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam đề nghị Ban chủ nhiệm Đề tài tính toán thêm sự phù hợp giữa kè phá sóng với hướng duy chuyển của các phương tiện Thuỷ, giải pháp công trình theo đề xuất của Đề tài và mối quan hệ của nó với các biện pháp công trình hiện có tại Cửa Đại. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi nêu một số kinh nghiệm và khó khăn của Quảng Ngãi trong việc chống xói lở bờ biển, cửa sông tại Quảng Ngãi và khẳng định mỗi một bờ biển cửa sông đều có điểm riêng, khó có thể mang giải pháp cho cửa sông này áp dụng cho cửa sông khác. Hội thảo cũng nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề về xói lở bờ biển, cửa sông tại Hội An.
Trao đổi tại Hội thảo, các Nhà khoa học đến từ các Viện, Trường như: Trường Đại học Thuỷ lợi, Trường Đại học Mỏ - Địa chất chia sẽ những kinh nghiệm trong việc tham gia thực hiện các công trình chắn sóng, chống xói lở trong nước. Các vị Giáo sư, Phó Giáo sư cũng có những băn khoăn giống với những băn khoăn của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đối với chống xói lỡ bờ biển, cửa sông tại Cửa Đại. Các Nhà khoa học cũng đã chỉ ra những vấn đề khó, cần đầu tư nhiều thời gian công sức mới có thể trả lời, giải quyết thoả đáng.
Ban chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến trao đổi tại Hội thảo và đã có những chia sẽ, giải trình dựa trên những tính toán khoa học, một số ý kiến đã được Ban chủ nhiệm tiếp thu và sẽ tiếp tục nghiên cứu.
Hy vọng trước khi Đề tài được nghiệm thu chính thức và đưa vào ứng dụng thực tế cần có thêm những diễn đàn thẳng thắn, chất lượng và hiệu quả như Hội thảo này.